Mặc dù mối liên quan giữa lối sống và yếu tố di truyền với bệnh tiểu đường đã được thiết lập, các nhà nghiên cứu mới đây phát hiện thêm rằng tiếp xúc trong thời gian dài với mức độ ô nhiễm không khí liên quan tới giao thông cao hơn cũng có thể khiến bạn có nguy cơ bị căn bệnh mạn tính này.
Tiếp xúc với ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ kháng insulin - như một tình trạng tiền tiểu đường của tiểu đường týp 2.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học Đức đã phân tích dữ liệu của gần 3.000 người tham gia vào Nghiên cứu sức khỏe ở vùng Augsburg, Đức trong thời gian 2006-2008, những người sống ở thành phố Augsburg và hai khu vực nông thôn liền kề.
Tất cả những người này được phỏng vấn và khám thể chất. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng lấy mẫu máu khi đói để xác định các chỉ dấu khác nhau về kháng insulin và viêm. Những người không bị bệnh tiểu đường được làm tét dung nạp glucose đường uống để phát hiện xem chuyển hóa glucose của họ có bị suy giảm không. Họ đã so sánh những dữ liệu này với hàm lượng các chất gây ô nhiễm không khí tại nơi cư trú của những người tham gia, trong đó, họ ước tính sử dụng mô hình dự báo dựa trên phép đo lặp tại 20 địa điểm (để đo phân tư) và 40 địa điểm (đo nitơ dioxit) trong thành phố và khu vực nông thôn.
Tác giả chính của nghiên cứu Kathrin Wolf từ Helmholtz Zentrum Muenchen cho biết: “Kết quả cho thấy những người có tốc độ chuyển hóa glucose giảm, hay còn được gọi là tiền tiểu đường, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Ở những người này, mối liên quan giữa sự gia tăng nồng độ chỉ báo trong máu và tăng mức độ ô nhiễm không khí là đáng kể. Như vậy, về lâu dài, đặc biệt là với những người có chuyển hóa glucose giảm, ô nhiễm không khí là một yếu tố nguy cơ gây tiểu đường týp 2”.
BS Thu Vân
(Theo THS)