Đặc điểm của bệnh chàm vành tai là da nổi hồng ban rất ngứa, chảy dịch vàng... Nếu bị nhiễm trùng đi kèm vết thương có mủ, các chất tiết này làm cho dị ứng nặng hơn.
Nguyên nhân do cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng, xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn, uống, tiếp xúc... Các tác nhân gây dị ứng có thể là bọ chét trên lông thú, bụi, phấn hoa, xà bông, bột giặt thô ráp, khói thuốc lá và những sản phẩm có chất cồn...
Về việc điều trị và phòng bệnh chàm vành tai, ThS. Vũ Thị Tuyết Mai - Bộ Y tế cho biết:
Có thể dùng thuốc chống dị ứng, chống ngứa như Chlorpheniramin, Phenergan, Théralène (dạng uống và bôi tại chỗ). Nếu có nhiễm trùng phải dùng thêm thuốc kháng sinh, việc dùng thuốc cần phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Các thuốc mỡ chứa corticosteroid như flucina, cidermex... có thể sử dụng để bôi trên tổn thương chàm khô, không nên dùng để bôi trong các trường hợp nhiễm khuẩn. Không nên bôi quá nhiều (diện tích rộng) vì có thể gây biến chứng do tác dụng phụ của thuốc.
Dự phòng chàm: Tốt nhất là không nên tiếp xúc với các đồ vật, hóa chất có thể gây dị ứng, đặc biệt là ở những người có tiền sử dị ứng. Khi dùng các thuốc ngoài da, hóa mỹ phẩm, cần bôi thử một diện tích nhỏ trên da để thăm dò phản ứng.
ThS. Vũ Thị Tuyết Mai