Người cao tuổi (NCT) có những thay đổi đáng kể về cả thể chất lẫn tinh thần và cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc phù hợp.
Thay đổi của cơ thể
Về thể chất, do quá trình lão hóa hoặc do các bệnh lý gây ra mà NCT có phản ứng chậm hơn. Khi nói chuyện, NCT cần một khoảng thời gian dài hơn để ghi nhận và xử lý thông tin. Đối với các cụ bị lãng tai, bạn càng cần phải kiên nhẫn hơn nữa. NCT cũng sẽ chậm hơn trong việc đi lại. Vì vậy, nếu có việc cần phải đi đâu đó, bạn nên báo trước với các cụ để các cụ có thời gian chuẩn bị phù hợp. Kiên nhẫn đợi các cụ, tránh nói những câu làm cho các cụ tủi thân. Hệ miễn dịch của NCT hoạt động kém hơn nên dễ mắc bệnh hơn và có thể làm suy yếu sức khỏe. Cần quan tâm đặc biệt tới sức khỏe người cao tuổi, sớm có những biện pháp chữa bệnh phù hợp khi có triệu chứng bệnh. Quan trọng hơn, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tập phục hồi chức năng và nghỉ ngơi phù hợp để có một cơ thể khỏe mạnh.
Ngoài những thay đổi về thể chất, NCT có những thay đổi đáng kể về tâm lý. Đặc điểm nổi bật nhất của người cao tuổi là hay tiếc nuối thời trẻ, hoài cổ. Nhiều người cảm thấy hụt hẫng, khó chịu, cảm giác bị mất đi quyền lực và vị thế. Vì vậy, các cụ cảm thấy mình bị bỏ rơi, buồn bã, chán nản. Do đó, tính tình NCT cũng thay đổi, trở nên bảo thủ, cố chấp, bám lấy cái cũ và bị gánh nặng quá khứ đè nén.
Chúng ta cần lắng nghe và thấu hiểu tâm lý của người cao tuổi.
Thay đổi tâm lý
Muốn được chăm sóc và để ý tới nhiều hơn: Do những thay đổi thể chất và tâm lý, NCT có thể mất đi những khả năng tự chăm sóc bản thân. Có người chấp nhận và ứng phó thành công với sự suy giảm chức năng, nhưng cũng có người lo lắng quá độ, lúc nào cũng đòi con cái ở cạnh để được chăm sóc, hoặc trở thành cau có, gắt gỏng khi con cái bê trễ trong việc đáp ứng những nhu cầu của mình.
Sự cô đơn là tình trạng hay gặp nhất ở NCT, nhất là với đời sống ở nước tân tiến. Sự tách biệt giữa các sinh hoạt thời còn trẻ và tuổi già càng nhiều thì sự thích nghi càng khó. Do đó, NCT có thể có thái độ thất vọng, trì trệ và lệ thuộc vào con cái của mình. Cần thông cảm để cư xử một cách tế nhị, tránh rơi vào trường hợp hắt hủi, ngược đãi NCT.
Hay lo âu hơn trước: Chính vì chậm chạp, mất hoặc giảm đi những chức năng và phải lệ thuộc hay nhờ vả người khác, mà NCT trở nên lo lắng quá độ. Do sự lo lắng này, các cụ thường lặp đi lặp lại một yêu cầu hay một câu hỏi, để được trấn an.
Dễ mủi lòng, tủi thân: Khi những nhu cầu hay yêu cầu của mình không được các con đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng người già rất dễ tủi thân, nhất là các cụ đã từng dành phần lớn thời gian của đời mình trong việc chăm sóc, lo lắng cho các con với mong muốn được các con đền đáp lúc tuổi già.
Nếu NCT có những ước mơ không thực hiện được, không hài lòng với cuộc đời mình, có thể có những triệu chứng của bệnh trầm cảm và trở thành một người khó tính, hay gay gắt với con cái và có thể ganh tị cả với sự thành công của các con. Những NCT can thiệp hay kiểm soát quá nhiều vào đời sống con cháu, thường là những người không thỏa hiệp và thích nghi được với giai đoạn mới này của đời sống.
Khi thấy các cụ có những sự thay đổi lớn như hay cau có, gắt gỏng, thay đổi tính nết trở thành khó chịu, hay quên, xuống cân, ít ngủ, biếng ăn, nên nghĩ đến những căn bệnh có thể xảy ra cho NCT về thể chất lẫn tâm thần để kịp thời đưa đi khám, thay vì cho rằng chỉ là những thay đổi thông thường.
Những vấn đề cần lưu tâm
Nên lưu ý, chăm sóc cho NCT quá kỹ lưỡng có thể tạo cho họ cảm giác như bị đối xử giống một đứa trẻ. Cần tế nhị để NCT cảm thấy được tôn trọng và có vai trò riêng của họ. Để NCT thấy thoải mái về tâm lý, người chăm sóc không những cần có sự chu đáo mà cần thêm một chút “tinh ý”. Một vài gợi ý nhỏ cho những ai quan tâm khi chăm sóc NCT trong gia đình: Hãy hỏi những gì NCT muốn ăn, lắng nghe; cung cấp và tạo điều kiện cho NCT có những sinh hoạt giải trí đều đặn, tạo không gian riêng, phương tiện nghe nhìn, xin lời khuyên, yêu cầu giúp vài việc, chia sẻ cảm xúc với NCT; lắng nghe các cụ nói và ghi nhận, thay vì tìm cách sửa sai...
Chăm sóc tâm lý NCT là vấn đề tế nhị, khéo léo, phức tạp để giữ cho tâm các cụ lúc nào cũng có “một tâm hồn minh mẫn trên cơ thể khỏe mạnh”, để sống vui vẻ bên con cháu.
BS. Sầm Thúy Liễu