Người già thì nhiều cơ quan chức năng cũng lão hoá và kém dần đi, tai cũng là bộ phận dễ bị ảnh hưởng khi già. Tỷ lệ nghe kém ở người trên 65 tuổi là 30% và trên 75 tuổi là 50%.
Các nguyên nhân nghe kém ở người già
Các nút ráy tai ngoài, nút biểu bì: Da ống tai ở người già lão hoá, thượng bì chết và bong ra nhanh kèm theo hiện tượng mất nước bề mặt da khiến ống tai ngoài người già dễ hình thành nút ráy, để lâu nút ráy khô lại, thông khí ống tai kém kèm theo các mảnh biểu bì chết tạo thành các nút ráy biểu bì. Các nút ráy này bít lấp ống tai ngoài gây nghe kém. Lấy bỏ ráy tai, làm sạch ống tai sẽ giúp các ông bà nghe tốt hơn.
Hiện tượng xơ hoá màng nhĩ người già: mạch máu nuôi dưỡng màng nhĩ rất nhỏ và thưa, ở người già màng nhĩ càng kém được nuôi dưỡng dể gây xơ hoá, dày đục kém rung động gây nghe kém.
Hiện tượng xơ hoá, xơ dính chuỗi xương con (xốp xơ tai): Cũng do nguyên nhân mạch máu kém nuôi dưỡng mà hệ thống chuỗi xương con hòm tai thoái hoá, xơ hoá, vôi hoá dẫn đến kém di động hoặc cố định hoàn toàn, giảm và mất khả năng dẫn truyền âm thanh tới ốc tai. Các hiện tượng này càng trở nên nặng nề trên bệnh nhân có tiền sử viêm tai giữa mạn tính.
Nghe kém do nguyên nhân tai trong: Tai trong là phần nằm sâu bên trong tai, tiếp giáp với não và chứa dây thần kinh tiếp nhận âm thanh đưa tín hiệu lên não giúp ta nghe được. Tai trong được nuôi bởi một mạch máu nhỏ nằm trong hệ thống mạch máu não và mạch máu này là nhánh tận cùng vì thế rất ít có sự giao lưu với các mạch máu khác, do đó khi bị tắc nghẽn thì tai trong sẽ không có sự hỗ trợ tưới máu của các mạch máu khác nên sẽ bị “chết” rất nhanh. Ở người già tuần hoàn máu lên não thường kém, đặc biệt là người bị cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, xơ vữa mạch máu… do đó tai rất kém được nuôi dưỡng và nghe kém dần. Có trường hợp mạch máu tai tắc nghẽn đột ngột dẫn đến điếc đột ngột. Ngoài nguyên nhân mạch máu, các nguyên nhân khác của nghe kém tai trong là thoái hoá dây thần kinh, các khối u dây thần kinh tai trong và vùng lân cận, nhiễm độc tai trong, hoặc tai trong ứ dịch sũng nước do rối loạn chuyển hoá…
Người già thường có khả năng nghe kém.
Tiếng ồn: Những tiếng ồn ở đây có thể là do môi trường công xưởng làm việc, tiếng máy công nghiệp, tiềng ồn sinh hoạt như tàu xe, tivi loa đài to, đeo tai nghe quá lâu với âm thanh lớn, tiếng bom đạn trong chiến tranh… Người tiếp xúc với tiếng ồn nhiều có thể bị nghe kém ngay khi còn đang làm việc hoặc nghe kém khi về già.
Phát hiện nghe kém người già thế nào?
Bản thân người già và người thân trong gia đình thường tự phát hiện nghe kém. Có thể là nghe kém từ từ, qua hàng tháng hàng năm không rõ thời điểm chính xác bắt đầu bị. Người bệnh cảm thấy có nhu cầu người khác nói chuyện to hơn, hay phải nhắc lại hơn, xem ti vi và nghe đài cũng bật to hơn người khác, nghe điện thoại khó hơn, đặc biệt khi bịt một bên tai thì bên kia không nghe thấy gì. Cũng có thể biểu hiện rất đột ngột bị điếc như kiểu sét đánh, ngủ dậy bỗng thấy tai không nghe thấy gì. Những trường hợp điếc đột ngột như vậy phải được coi là một cấp cứu, người bệnh cần đến viện càng sớm càng tốt vì cơ hội điều trị phục hồi khả năng nghe càng cao.
Nghe kém có thể gặp ở 1 bên hoặc 2 bên. Nghe kém 2 bên thường do các nguyên nhân toàn thân như xốp xơ tai, nhiễm độc tai, mạch máu tai thoái hoá trong cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, xơ vữa mạch máu… Nghe kém 1 bên có thể gặp do các nguyên nhân tại chỗ như nút ráy, viêm tai giữa mạn tính 1 bên, khối u…
Các triệu chứng kèm theo nghe kém có thể gặp như đau tai, ù tai, chóng mặt, rối loạn tiền đình… các triệu chứng này không bao giờ được xem thường vì nó gợi ý tới các nguyên nhân gây nghe kém ở người già.
Đo thính lực là cách tốt nhất để xác định nghe kém nói chung và với người già nói riêng. Đo thính lực cho một kết quả khách quan phát hiện nghe kém, mức độ của nghe kém, loại hình nghe kém qua đó giúp các bác sĩ phân loại và tìm nguyên nhân nghe kém.
Người già thường có nhiều bệnh lý phối hợp và bệnh này có thể là nguyên nhân của bệnh kia, vì thế khi gặp trường hợp nghe kém ở người già, chúng ta cần phải xác định xem có bệnh lý phối hợp hay không như cao huyết áp, tăng đường huyết, mỡ máu, xơ vữa mạch máu, bệnh lý u vòm mũi họng, hoặc u dây thần kinh thính giác. Đôi khi nghe kém, đặc biệt là điếc đột ngột là dấu hiệu báo trước của tai biến mạch máu não.
Điều trị có khỏi?
Có một vài trường hợp có thể giải quyết được ngay vấn đề nghe kém ở người già như lấy ráy tai, làm vệ sinh tai ngoài.
Trường hợp điếc đột ngột cần phải đến viện và điều trị ngay càng sớm càng tốt vì khi đó kết quả điều trị phụ thuộc rất nhiều vào thời gian bệnh.
Trường hợp nghe kém do nguyên nhân xơ hoá màng nhĩ, xơ hoá chuỗi xương con có thể được giải quyết bằng phẫu thuật vá màng nhĩ, gỡ dính xương con hoặc thay thế xương con. Nếu không có chỉ định mổ cũng có thể giải quyết bằng đeo máy trợ thính. Việc đeo máy trợ thính là biện pháp rất tốt đối với người già vì không phải can thiệp phẫu thuật, không can thiệp vào cơ thể, có thể hiệu chỉnh máy khi nghe kém thay đổi dần theo thời gian, đặc biệt hiện nay có rất nhiều loại máy trợ thính tốt, đa kênh cho chất lượng âm thanh nghe được tốt hơn và trung thực hơn. Chúng ta không nên tự mua máy trợ thính, mà phải đến các trung tâm trợ thính để được đo, xác định loại máy phù hợp, hiệu chỉnh máy phù hợp ở các tần số nghe để có thể lựa chọn được loại máy hiệu quả, đồng thời trong quá trình dùng máy cũng cần thường xuyên đi đến trung tâm để hiệu chỉnh lại máy định kỳ khi dùng thời gian dài. Việc này cũng giống như khi chúng ta đeo kính vậy.
Trường hợp điếc tai trong có thể giải quyết được bằng thuốc. Trường hợp mạn tính có thể giải quyết các triệu chứng ù tai, chóng mặt nếu có, đồng thời điều trị dự phòng các bệnh lý huyết áp, tiểu đường tránh điếc nặng lên. Ngoài ra, cần phát hiện sớm các bệnh lý khối u và điều trị nếu có.
Làm thế nào có thể phòng tránh?
Nghe kém hay điếc ở người già như nói ở đầu bài viết là rất hay gặp do nhiều nguyên nhân gây ra, điều trị đôi khi rất khó khăn nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được hoặc giảm trừ được bằng các biện pháp sau:
Phát hiện và kiểm soát tốt các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu.
Tăng cường các hoạt động ngoài trời như đi bộ, tập dưỡng sinh… để cơ thể tăng cường tổng hợp vitamin D tự nhiên, tránh loãng xương.
Ăn uống chế độ ăn giàu kẽm, canxi và sắt như sữa, hải sản. Các đồ ăn giàu vitamin, đặc biệt là vitamin D như rau quả tươi.
Tránh tiếp xúc với tiếng ồn, tránh các thuốc kháng sinh độc cho tai, việc này cần phải thực hiện từ khi còn trẻ. Một số tiếng ồn có thể tránh được như việc đeo tai nghe nhiều, nghe nhạc quá lớn ở vũ trường, karaoke… Các công nhân làm việc với tiếng ồn cần có thiết vị bảo vệ tai.
Khám định kỳ và phát hiện sớm các bệnh về tai như viêm tai ngoài, viêm tai giữa, xốp xơ tai… có thể giúp điều trị các bệnh này, qua đó tránh được điếc khi về già.
ThS. Lê Đình Hưng