Khi mới lọt lòng, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu (BQĐ) sinh lý, tức là BQĐ không tuột xuống được, có tình trạng dính tự nhiên giữa BQĐ và quy đầu. Do phản xạ tự nhiên như dương vật cương khi buồn tiểu, khi ngủ mà BQĐ tự tuột hẳn xuống được. Hầu hết khi trẻ lớn lên, 90% BQĐ tuột xuống được. Trường hợp BQĐ bị dính vào quy đầu, không tụt xuống được gọi là hẹp BQĐ.
Dấu hiệu nhận biết hẹp BQĐ ở trẻ nhỏ
Trong những năm đầu đời, khi cơ thể trẻ phát triển, dương vật của bé cũng phát triển theo và bắt đầu có sự bài tiết, lớp bề mặt da nằm bên dưới da quy đầu bong ra giúp BQĐ tách dần khỏi quy đầu.
Bạn có thể phát hiện con bị hẹp BQĐ hay không bằng cách vạch da quy đầu của bé xem lỗ có hẹp không hoặc quan sát lúc đi tiểu xem tia nước ra sao. Nếu tia nước nhỏ như cái kim, bé khó tè, thậm chí da phần quy đầu phồng lên do nước và chất cặn bã màu trắng tích lại thì chắc chắn bé bị hẹp BQĐ.
Khi BQĐ bị viêm nhiễm sẽ tấy đỏ, xuất tiết kết hợp với các tế bào thượng bì bong ra rồi đọng lại, tích tụ xung quanh rãnh quy đầu và ngay cả ở quy đầu gây nhiễm khuẩn làm cho trẻ đi tiểu khó và đau. Thậm trí trẻ không đi hết nước tiểu do đau mà bị gián đoạn gọi là tiểu dắt. Nếu trẻ không bị hẹp BQĐ thì các chất cặn hay những tế bào chết của thượng bì da BQĐ sẽ bị trôi đi khi các bé tắm, rửa vệ sinh.
Nên đưa trẻ đi khám sớm để có hướng điều trị đúng.
Nên chủ động xử lý sớm hẹp BQĐ
Trước đây người ta thường cho rằng: đến khi trẻ lớn xem hiện tượng hẹp BQĐ có tự hết không, rồi mới xử lý. Nhưng hiện nay, các bác sĩ nhi khoa và nam khoa khuyến cáo nên chủ động lộn sớm cho trẻ để chăm sóc tốt bộ phận sinh dục cho bé.
Việc nước tiểu và chất cặn bã đọng lại ở khoang giữa quy đầu và da quy đầu, gây nên viêm đường tiết niệu, viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn. Hẹp BQĐ còn gây ra hiện tượng lún dương vật - tình trạng rất hay gặp ở nhiều trẻ.
Hẹp BQĐ sẽ khiến bé đi tiểu khó, thậm chí thấy đau, khóc, nước tiểu ra không hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần gây viêm nhiễm mạn tính.
Hẹp BQĐ mà không được điều trị, can thiệp, khi trưởng thành còn có những hậu quả xấu như liệt dương (dương vật không cương cứng lên được do đau); rối loạn xuất tinh.
Hẹp BQĐ còn là một trong những nguyên nhân gây ung thư dương vật.
Cha mẹ cần chú ý phân biệt hẹp bao quy đầu ở trẻ.
Điều trị tại nhà và khi nào cần phẫu thuật
Tại nhà, bố mẹ cũng có thể nong dần bao quy đầu cho con bằng cách: Khi bé 5-6 tháng, mỗi lần tắm cho con, bố mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống, dùng vòi nước sạch cho chảy nhẹ nhàng vào rãnh quy đầu rửa sạch các cặn bẩn. Mỗi lần một chút, ngày hôm sau tăng hơn ngày hôm trước, để BQĐ rộng dần và có thể trượt lên trượt xuống một cách dễ dàng. Trẻ lớn hơn, bạn có thể hướng dẫn con tự làm.
Việc vệ sinh thường xuyên rất quan trọng. Dùng nước rửa sạch các chất cặn bẩn và duy trì lộn hàng ngày để da dương vật giãn ra một cách tự nhiên có thể không phải phẫu thuật BQĐ. Để BQĐ tự bong tróc và bằng chứng là tới gần dậy thì là hầu hết các trẻ đều không còn hẹp BQĐ. Đây là một quá trình hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, nếu do miệng BQĐ quá hẹp hoặc xuất hiện các biến chứng của hẹp BQĐ như sưng và mọng đỏ thì phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị.
Điều trị biến chứng viêm nhiễm BQĐ bằng cách vệ sinh tại chỗ và bôi thuốc kháng viêm. Khi tình trạng viêm đỏ đã hết, chúng ta cần điều trị nguyên nhân gây ra viêm nhiễm BQĐ đó là hẹp BQĐ. Điều trị nong BQĐ và bôi thuốc. Cần chú ý việc giữ vệ sinh hàng ngày. Trong trường hợp vệ sinh tốt nhưng vẫn có những đợt viêm nhiễm tái phát thì cần điều trị triệt để bằng cắt BQĐ.
BS. Nguyễn Hồng Vân