Hiện nay, thuốc chống động kinh (còn gọi là thuốc chống co giật) được dùng rất phong phú, đa dạng.
Hiện nay, thuốc chống động kinh (còn gọi là thuốc chống co giật) được dùng rất phong phú, đa dạng. Điều quan trọng là lựa chọn thuốc điều trị sao cho phù hợp với tình trạng bệnh, khả năng kinh tế của bệnh nhân, cải thiện chất lượng sống của người bệnh và giảm thiểu các tác dụng phụ có hại của thuốc...
Động kinh là sự rối loạn chức năng thần kinh trung ương theo từng cơn do có sự phóng điện đột ngột, quá mức của các tế bào thần kinh. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân động kinh có thể bình phục gần như hoàn toàn, hòa nhập tốt với xã hội và có cuộc sống ổn định. Mục tiêu của điều trị động kinh bằng thuốc là kiểm soát tối đa các cơn với việc giảm thiểu các tác dụng phụ có hại của thuốc và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Hình ảnh sóng điện não của người bệnh động kinh.
Các thuốc chống động kinh không điều trị khỏi hẳn bệnh động kinh, nhưng nếu dùng thuốc trong thời gian dài, khi ngừng thuốc có một số trường hợp cơn động kinh không tái phát. Nhưng để kiểm soát tốt thường là phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí là suốt đời. Còn nếu để tình trạng cơn co giật kéo dài mà không được điều trị thì bệnh nhân có các nguy cơ: chậm phát triển thể chất, sa sút tâm thần, bệnh nhân bị cô lập với cuộc sống xã hội, chấn thương do co giật và có thể tử vong.
Có những thuốc nào?
Tùy vào thời điểm ra đời có thể chia thuốc chống động kinh ra 2 nhóm: Thuốc thế hệ cũ ra đời cách nay đã lâu đời (như phenobarbital lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1912), gồm có: phenobarbital, carbamazepin, phenytoin, acid valproic hay valproat... Thuốc thế hệ mới, ra đời trong thời gian gần đây (như pregabalin được sử dụng vào năm 2004), gồm có: gabapentin, lamotrigin, oxcarbazepin, topiramat, levetiracetam, pregabalin...
Thuốc chống động kinh mới hơn có xu hướng ít tác dụng phụ hơn nhưng hiệu quả điều trị chưa chắc đã hơn các thuốc cổ điển. Bởi vì, sự lựa chọn thuốc chống động kinh phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân, có bệnh nhân lại thích hợp với thuốc cổ điển hơn. Cả hai loại thuốc mới và cũ thường hiệu quả như nhau trong bắt đầu điều trị động kinh.
Thuốc nào cũng có hai mặt, bên cạnh tác dụng chữa bệnh, thuốc có thể gây tác dụng phụ cho người sử dụng. Với các thuốc chống động kinh cũng vậy, tuy nhiên có thông tin nói rằng, tác hại của thuốc chống động kinh là vô cùng độc hại và trầm trọng, thậm chí gây tử vong là hoàn toàn chưa đúng. Ngoại trừ người ta dùng gardenal (tên biệt dược trước đây của phenobarbital) dùng liều rất cao để tự tử, thì cho tới nay chưa có báo cáo chính thức nào cho thấy dùng thuốc chống động kinh ở liều điều trị lại làm cho bệnh nhân tử vong. Gardenal cũng là thuốc gây tác dụng phụ có hại vào loại bậc nhất của nhóm thuốc chống động kinh (như gây dị ứng nặng là hội chứng Lyell có thể đưa đến tử vong) và nay gần như không còn được dùng trị động kinh nữa. Còn các thuốc chống động kinh khác đang được sử dụng hiện nay người bệnh có thể an tâm dùng thuốc điều trị.
Tuy nhiên, có trường hợp dùng không đúng: Nếu dùng liều thuốc thấp không đủ thì nồng độ thuốc có trong cơ thể người bệnh dưới ngưỡng tác dụng điều trị của thuốc sẽ làm cho người bệnh phát bệnh lên cơn động kinh. Còn nếu dùng liều thuốc quá cao sẽ đưa đến ngộ độc thuốc dẫn đến bị các rối loạn, như quá liều valproat có thể gây ngủ gà, blốc tim và hôn mê sâu; nếu được cứu cấp kịp sẽ chữa khỏi. Chỉ trừ trường hợp dùng thuốc trị động kinh có khoảng cách an toàn hẹp (khoảng cách giữa liều điều trị và liều chết quá nhỏ) thì dùng phải hết sức thận trọng.
Lưu ý khi dùng
Bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống động kinh cho người bệnh luôn lưu ý:
Khởi động việc điều trị chỉ bằng một thuốc. Bởi vì sử dụng phối hợp hai thuốc ngay từ đầu, nếu không có hiệu quả thì khó lòng có thể đánh giá được thuốc nào là thuốc không tác dụng.
Khởi đầu bằng liều thấp nhất mà thuốc có tác dụng, tức liều có tác dụng ngăn chặn cơn động kinh xảy ra. Tránh dùng liều cao ngay từ đầu vì sẽ gây ra tác dụng phụ có hại.
Bệnh nhân cần uống đủ liều và liên tục trong thời gian mà bác sĩ chỉ định. Không được dừng bỏ thuốc, thậm chí chỉ là một lần bỏ uống thuốc trong ngày cũng không được, vì bỏ một lần không uống vì bất kỳ lý do gì đều có thể làm giảm nồng độ dưới ngưỡng tác dụng điều trị của thuốc. Và bệnh động kinh có nguy cơ bị tái phát với mức độ nặng hơn, cơn mau hơn nếu bỏ thuốc như vậy.
Sau 2 năm điều trị mà không thấy có một cơn động kinh nào tái diễn, bác sĩ tiến hành cho ngừng thuốc. Trước khi ngừng, phải giảm liều thuốc dần dần mà không dừng thuốc đột ngột. Nếu ngừng thuốc đột ngột sẽ gây động kinh tái diễn, động kinh xuất hiện mau hơn và cả động kinh kháng trị. Thời gian giảm liều kéo dài trong khoảng 3 - 6 tháng. Trong thời gian giảm liều mà có cơn động kinh xuất hiện thì lại phải tiếp tục điều trị động kinh trong tối thiểu 2 năm tiếp theo tính từ thời điểm dùng lại thuốc này. Như vậy, có khi người bệnh phải dùng thuốc kéo dài cho đến hết cả cuộc đời.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức
(Đại học Y Dược TP.HCM)