Tôi năm nay 73 tuổi, bị viêm phế quản co thắt, đã tiêm kháng sinh 1 tuần, hết sốt nhưng vẫn còn ho, có lúc khó thở.
Tôi năm nay 73 tuổi, bị viêm phế quản co thắt, đã tiêm kháng sinh 1 tuần, hết sốt nhưng vẫn còn ho, có lúc khó thở. Liệu có phải tôi mắc bệnh gì khác nữa không? Phòng viêm phế quản co thắt thế nào?
Nguyễn Văn Thành (Sơn La)
Phế quản là đường ống dẫn khí đi từ khí quản vào đến tận phổi, lúc đầu là phế quản gốc bên trái và phải, sau đó đến các phế quản nhỏ hơn rồi đến các tiểu phế quản tiếp giáp với các phế nang. Do vậy, khi bị viêm phế quản co thắt, nghĩa là toàn bộ đường dẫn khí vào phổi bị viêm nhiễm và chít hẹp do phù nề, co thắt. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên viêm phế quản như virut, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn. Về điều trị, hầu hết viêm phế quản là do virut, nếu là căn nguyên virut thì điều trị thuốc kháng sinh cũng không cần thiết mà chỉ dùng kháng sinh khi đã có biểu hiện bội nhiễm hoặc viêm do vi khuẩn. Trong trường hợp của bác, là viêm phế quản co thắt bội nhiễm thì ngoài thuốc kháng sinh, cần phải uống thêm các thuốc giãn phế quản và các thuốc làm loãng đờm để tăng cường tác dụng điều trị của kháng sinh. Nếu bác đã được điều trị kháng sinh hết sốt, ăn ngủ bình thường thì ho sẽ hết dần, vì vậy bác không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, cần lưu ý, viêm phế quản co thắt cần phân biệt với hen phế quản để có hướng dự phòng tái phát. Hơn nữa, ở người cao tuổi rất dễ bị viêm phế quản tắc nghẽn, nhất là những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào... nên bác cần chú ý các yếu tố gây dị ứng để tránh yếu tố khởi phát. Đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh cần chú ý giữ ấm cổ, tránh khói bụi, môi trường ô nhiễm và khói thuốc bị động từ người xung quanh để tránh khởi phát bệnh.
BS. Vũ Ngọc Anh