Viêm ruột là một bệnh gây nhiều phiền phức cho mọi lứa tuổi, bệnh gặp nhiều ở người lớn tuổi (NCT). Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây nguy hiểm cho người mắc.
Đặc điểm của bệnh
Ruột chỉ là một phần trong hệ thống tiêu hóa bao gồm các cơ quan từ miệng, dạ dày, ruột già, ruột non, trực tràng đến hậu môn. Các cơ quan từ dạ dày đến ruột già có nhiệm vụ vận chuyển thức ăn thành chất dinh dưỡng và hấp thu các dưỡng chất, nước vào máu để cung cấp cho cơ thể. Tại hệ thống tiêu hóa có thể có nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó viêm ruột là một bệnh thường gặp trong cộng đồng. Bệnh viêm ruột, có 2 loại chính, đó là bệnh viêm ruột kết mạn tính (viêm đại tràng mạn tính) và bệnh Crohn. Mặc dù hai bệnh này có nhiều đặc điểm giống nhau nhưng cũng gặp những khác biệt giữa chúng. Viêm ruột kết gây loét là căn bệnh viêm ở ruột già (đại tràng), bệnh biểu hiện nặng nhất ở trực tràng. Vì vậy, nếu ruột kết bị tổn thương có thể gây tiêu chảy và phân có dịch nhầy và máu. Trong khi đó, bệnh Crohn thường ảnh hưởng chủ yếu đến phần cuối của ruột non và có thể tấn công bất kỳ bộ phận nào của bộ máy tiêu hóa.
Đặc điểm của bệnh Crohn thường hay gặp nhất ở những người từ 15 - 30 tuổi, tuy nhiên bệnh có thể xẩy ra ngay cả trẻ em và người lớn. Biểu hiện của bệnh là gây viêm, loét và ăn sâu vào các lớp của thành ruột (so với bệnh viêm loét ruột kết, bệnh Cohn gây loét sâu hơn nhiều, vì vậy, có thể làm ảnh hưởng đến toàn bộ thành của ruột).
Cả hai bệnh viêm loét ruột kết và bệnh Crohn đều có triệu chứng tiêu chảy và đau bụng
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Đối với viêm loét ruột kết (đại tràng) có thể do nhiễm vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, ký sinh trùng, virút). Đối với vi khuẩn thường gặp nhất là lỵ trực khuẩn (Sigella), loại vi khuẩn này thường gây viêm ruột cấp, đặc biệt là S.shiga, bên cạnh đó có thể gặp viêm ruột do vi khuẩn Chlammydia hoặc do vi khuẩn kỵ khí Clostridium difficile hoặc do vi khuẩn lao (Mycobacterium tubeculosis). Vi khuẩn lao là loại gây viêm loét nặng nề ở ruột. Với virút gây viêm ruột có thể gặp virút Herpes và một số virút đường ruột khác.
Đối với bệnh Crohn, nguyên nhân gây bệnh chưa biết một cách chính xác nhưng các tác giả cho rằng bệnh có liên quan mật thiết với tác nhân gây bệnh là vi sinh vật giống với bệnh viêm loét ruột kết hoặc có liên quan đến chế độ ăn, uống hoặc do căng thẳng thần kinh (stress), bởi vì stress cũng có thể tăng tốc độ hoặc làm chậm việc tiêu hóa của đường ruột. Bệnh Crohn cũng có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong mô tổ chức của thành ruột hoặc do tổn thương hệ thống miễn dịch làm mất hoặc giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh ở đường ruột hoặc bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền (đột biên gen).
Triệu chứng
Các triệu chứng thường thấy nhất ở cả hai bệnh viêm loét ruột kết và bệnh Crohn là tiêu chảy và đau bụng. Tiêu chảy có thể xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Tùy theo mức độ tiêu chảy, có thể ảnh hưởng đến rối loạn nước, chất điện giải cũng như ảnh hưởng ít hay nhiều đến tim mạch. Khi bị tiêu chảy ở mức độ nặng, người bệnh sẽ có hiện tượng mất nước và chất điện giải gây nên tim đập nhanh, tụt huyết áp, nặng hơn là trụy tim mạch rất nguy hiểm. Trong các trường hợp có đi ngoài ra máu sẽ ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn (thiếu máu). Đau bụng có thể từng cơn hoặc âm ỉ, đau dọc khung đại tràng. Ngoài ra, người bệnh viêm ruột đôi khi bị táo bón, nhất là bệnh Crohn do tắc nghẽn ở một vị trí nào đó của đường ruột. Với bệnh viêm loét ruột kết, táo bón thường là do viêm trực tràng.
Người bị viêm ruột, ngoài các triệu chứng vừa nêu ở trên, có thể luôn bị mệt mỏi, sụt cân, da xanh, mọi hoạt động giảm sút và có thể có sốt trong trường hợp bị nhiễm trùng.
Bệnh viêm ruột là bệnh mạn tính kéo dài, triệu chứng không điển hình cho nên gây không ít khó khăn cho chẩn đoán do một số triệu chứng thể hiện ra tương đối giống với các bệnh đường ruột khác. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ của các khoa cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân (xác định vi khuẩn, ký sinh trùng, hồng cầu trong phân…), nội soi đại tràng, chụp khung đại tràng có thuốc cản quang, hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI).
Nguyên tắc điều trị
Điều trị có hiệu quả nhất là điều trị nguyên nhân bằng thuốc (bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm…), kèm theo cần được nâng cao thể trạng (truyền dịch). Bởi vì, người bệnh gầy, sút cân, mất nước, chất điện giải, mất máu. Vì vậy, khi có rối loạn tiêu hóa kéo dài, cần đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa tiêu hóa để phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Người bệnh không nên tự chẩn đoán, tự điều trị, nhất là tự mua kháng sinh điều trị khi không có chuyên môn về y học.
Lời khuyên của thầy thuốc:Để phòng bệnh viêm ruột, nên có chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt cần tránh xa các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Với người bệnh, cần tuân thủ các chỉ định và tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình. Ngoài chế độ ăn uống, cần tránh hút thuốc, bởi vì, hút thuốc có thể là một trong các nguyên nhân góp phần làm cho bệnh Crohn tăng nặng thêm. Đồng thời, trong cuộc sống thường ngày không nên căng thẳng và tìm mọi biện pháp để cho tinh thần luôn được thoải mái như: tham gia các câu lạc bộ, đọc sách, báo, xem TV, tìm bạn bè trò chuyện, đi du lịch và vận động cơ thể như: chơi thể thao, đi bộ, bơi…
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU