Mới đây cháu thấy bị tróc vẩy da ở quanh mũi và miệng, ở hai bên gần môi trên xuất hiện 2 nốt mủ. Cháu có đi khám, được bác sĩ kết luận viêm da tiết bã nhờn..
Mới đây cháu thấy bị tróc vẩy da ở quanh mũi và miệng, ở hai bên gần môi trên xuất hiện 2 nốt mủ. Cháu có đi khám, được bác sĩ kết luận viêm da tiết bã nhờn, có kê đơn thuốc uống và bôi (cháu uống hết 3 ngày rồi mà không giảm). Xin cho cháu hỏi phải điều trị thế nào?
Lê Thị Xuân Hoa (Bình Phước)
Viêm da tiết bã nhờn là bệnh da bong vảy và có sần, cấp tính hoặc mạn tính. Bệnh có xu hướng thiên về di truyền với sự tác động qua lại của các yếu tố như hormon, dinh dưỡng, viêm nhiễm và sang chấn về tinh thần. Biểu hiện có thể có ngứa hoặc không. Các vùng da đầu, mặt, ngực, lưng, rốn, các nếp gấp lớn của da có thể nhờn hoặc khô với vẩy khô hoặc vẩy vàng nhờn. Đỏ da, nứt da nhiễm khuẩn có thể gặp. Hiện nay, việc điều trị bệnh viêm da tiết bã nhờn cần dựa vào vị trí cụ thể mắc bệnh. Nếu ở mặt và thân mình có thể dùng thuốc bôi corticoid dạng kem (theo chỉ dẫn của bác sĩ). Trường hợp bệnh viêm da tiết bã nhờn nặng thì có thể sử dụng thuốc uống. Bên cạnh dùng thuốc thì người bệnh viêm da tiết bã cần có chế độ chăm sóc da phù hợp. Người viêm da tiết bã nhờn cần hạn chế ăn thực phẩm ngọt và các thức ăn nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn. Cần ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi, uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể. Nếu bạn đã đi khám ở chuyên khoa da liễu rồi thì cứ yên tâm dùng thuốc theo đơn và tái khám lại đúng hẹn. Cần nói để bạn hiểu viêm da tiết bã nhờn là bệnh về da hay gặp nhưng việc điều trị đôi khi dai dẳng chứ không đơn giản, nhất là ở những người có cơ địa dị ứng hay di truyền thì càng khó, đôi khi còn phải sống hòa bình với bệnh này. Vì vậy, nếu bạn mới dùng thuốc 3 ngày thì chưa thể thuyên giảm, đừng quá nóng vội.
BS. Vũ Lan Anh