Tôi 36 tuổi, gần đây tôi thấy tóc bị rụng nhiều, người gầy sút cân, ăn uống khó tiêu. Tôi đọc báo thấy mình có biểu hiện cơ thể bị thiếu kẽm.
Tôi 36 tuổi, gần đây tôi thấy tóc bị rụng nhiều, người gầy sút cân, ăn uống khó tiêu. Tôi đọc báo thấy mình có biểu hiện cơ thể bị thiếu kẽm. Xin quý báo tư vấn cách bổ sung kẽm qua ăn uống hàng ngày?
Nguyễn Thị Lan (Hà Giang)
Kẽm đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các quá trình sinh hóa của cơ thể, tham gia điều hòa chức năng của hệ thống nội tiết và có trong thành phần các hormon (tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục...), kẽm có vai trò làm giảm độc tính của các kim loại độc như nhôm (Al), asen (As), candimi (Cad)..., góp phần vào quá trình giảm lão hóa thông qua việc ức chế sự ôxy hóa và ổn định màng tế bào...
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng kẽm cần thiết ở người trưởng thành là 10-15mg/ngày, nhu cầu này tăng cao ở phụ nữ mang thai cho con bú. Khi thiếu kẽm, cơ thể có biểu hiện chậm phát triển thể lực, tâm thần, các bệnh về da và niêm mạc, giảm chức năng sinh dục, dễ bị nhiễm khuẩn, giảm trí nhớ, suy dinh dưỡng... Những đối tượng dễ bị thiếu kẽm là người ăn chay, người mắc bệnh tiêu hóa, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, cho con bú. Kẽm được đưa vào cơ thể qua đường tiêu hóa, được hấp thụ chủ yếu ở ruột non nên để bổ sung kẽm cho cơ thể cần ăn uống đủ chất, ăn các thức ăn có nhiều kẽm như sò, củ cải, cùi dừa già, đậu hà lan, đậu tương, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc, thịt bò, thịt gà...
BS.Văn Hào