Đã có rất nhiều ý kiến băn khoăn việc 5 bài thi tổ hợp có thực sự đánh giá đủ, đúng năng lực của học sinh hay không?
Bộ GD-ĐT vừa có dự thảo ban đầu về đổi mới phương án thi năm 2017. Theo phương án của Bộ GD-ĐT đưa ra, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có 5 bài thi, trong đó ngoại trừ môn Ngữ văn thi tự luận còn lại môn Toán và môn Ngoại ngữ đều thi trắc nghiệm; tổ hợp môn Khoa học tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học và tổ hợp môn Khoa học xã hội gồm 3 môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Tuy nhiên, đã có rất nhiều ý kiến băn khoăn việc bài thi tổ hợp có thực sự đánh giá đủ, đúng năng lực của học sinh hay không? Các chuyên gia giáo dục băn khoăn đề thi tổ hợp như thế có đủ độ đo, giá trị bài thi có đạt 2 mong muốn của kỳ thi mà đặc biệt là mục tiêu xét tuyển đại học và với cách thi theo tổ hợp này thì các trường không thể xét theo tổ hợp truyền thống.
Về đề thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, nhiều giáo viên cho rằng với đề thi chỉ 60 câu thì khó đánh giá năng lực học sinh và ít nhất cũng phải tăng lên 90 câu và tăng thêm thời lượng. Đấy là chưa kể đứng dưới góc độ của học sinh, các em sẽ rất lo lắng các tổ hợp bài thi môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, vì thế, Bộ phải công bố sớm để giáo viên và học sinh chuẩn bị.
Ở khía cạnh khác, theo một số chuyên gia giáo dục, nếu tiến hành thi tốt nghiệp theo phương án trên sẽ dễ dàng nhìn thấy một số nhược điểm là vẫn xảy ra tình trạng luyện thi, dạy thêm, học thêm với ba môn thi bắt buộc: Toán, Văn, Ngoại ngữ và có thể còn là các môn Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên trong bài thi tổng hợp mà học sinh lựa chọn. Vẫn xảy ra tình trạng học lệch. Học sinh sẽ chỉ chú trọng vào các môn thi bắt buộc và các môn trong bài thi tổng hợp học sinh đã chọn. Vẫn phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với những áp lực, tốn kém tiền bạc và nhiều tiêu cực khác…
Ngay cả tâm thế của các trường hiện nay đều trong thời gian chờ đợi, khi Bộ có phương án chính thức thì các trường mới họp bàn thay đổi cách dạy học để đạt được kết quả tốt nhất vì mục tiêu cuối cùng của các trường là để học sinh học tốt và thi đỗ. Nên các trường đều mong Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án thi chính thức càng sớm càng tốt để thay đổi chương trình phù hợp.
Mong muốn có một kỳ thi THPT Quốc gia công bằng để các trường đại học không phải sử dụng thêm kỳ thi đánh giá năng lực nào nữa bởi dù sao nó cũng nặng nề, tốn kém cho người học lẫn nhà trường đang là ước mơ của hệ thống giáo dục. Mặc dù trong những năm qua và nhất là hai năm (2015, 2016), Bộ GD-ĐT đã liên tục có những thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Những thay đổi ấy có nhiều mặt tích cực, song cũng bộc lộ không ít những hạn chế, thậm chí còn khiến cho giáo viên, học sinh và phụ huynh đôi khi mất phương hướng, âu lo. Vì thế, Bộ cần sớm công bố phương án thi 2017 và có định hướng lâu dài. Điều này rất quan trọng cho các trường THPT để định hướng việc giảng dạy, đặc biệt là để phân luồng hướng nghiệp, tránh những xáo động liên tục không có tính ổn định lâu dài.
Lê Trọng Kính