Ôzôn là chất khí không màu, với nồng độ thấp không có mùi, nhưng ở nồng độ cao có mùi hôi. Phân tử ôzôn có 3 nguyên tử ôxy nên nó tham gia phản ứng ôxy hóa rất mạnh,
Ôzôn là chất khí không màu, với nồng độ thấp không có mùi, nhưng ở nồng độ cao có mùi hôi. Phân tử ôzôn có 3 nguyên tử ôxy nên nó tham gia phản ứng ôxy hóa rất mạnh, có khả năng tiêu hủy hầu hết chất hữu cơ. Ở đây chúng ta cần phân biệt tầng ôzôn bảo vệ trái đất và sự ô nhiễm ôzôn: tầng ôzôn trong khí quyển ở tầng bình lưu, cách mặt đất khoảng 10-50km, có tác dụng lọc các tia cực tím của mặt trời, giảm bức xạ bảo vệ sự sống trên trái đất; còn sự ô nhiễm ôzôn ở mặt đất lại gây hại cho sức khỏe con người. Ôzôn được sinh ra là do tác dụng của ánh nắng mặt trời với hai chất: hydrocarbon và nitrogen oxide, được thải ra từ khói xe và các nhà máy. Khi nhiệt độ tăng cao và “đứng gió”, nồng độ ôzôn trong không khí sẽ tăng cao. Nếu hít phải khí ôzôn, nó gây tổn thương các tế bào biểu mô lót của đường hô hấp, gây viêm, dẫn đến ho, ngứa họng, làm giảm chức năng phổi. Từ đó làm cho bệnh hen suyễn, khí phế thũng, viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… nặng lên, làm giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật. Đối với bệnh nhân bị rung nhĩ do rối loạn nhịp tim, nguy cơ tử vong tăng cao hơn do ô nhiễm ôzôn. Phòng tránh tác hại của ôzôn bằng cách: hạn chế ra ngoài khi trời nắng, hoặc chỉ hoạt động ngoài trời lúc sáng sớm hay sau khi mặt trời lặn, đeo khẩu trang, tránh những nơi có mật độ giao thông cao, sử dụng phương tiện giao thông công cộng để góp phần làm giảm ô nhiễm ôzôn.
BS.Phạm Phú Vinh