Nhiều người nghe thấy cái tên kỹ thuật chọc dịch não tủy (CDNT) đã thấy sợ, liên quan tới “não, tủy” cơ mà.
Nhiều người nghe thấy cái tên kỹ thuật chọc dịch não tủy (CDNT) đã thấy sợ, liên quan tới “não, tủy” cơ mà. Thế nhưng đây thật sự là một kỹ thuật an toàn và tối cần thiết trong chẩn đoán và điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt trong mùa dịch viêm não hiện nay. Cuộc trao đổi với TS.BS. Nguyễn Văn Tuận thuộc Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn đúng đắn hơn về một kỹ thuật khá phổ biến nhưng lại bị nhiều người lo ngại, né tránh này.
TS. Nguyễn Văn Tuận
PV: Thưa ông, dịch viêm não đang trong mùa cao điểm, vào bệnh viện thấy nhiều ca, nhất là trẻ em sốt nhập viện được chỉ định chọc dịch não tủy. Nhiều người lo ngại, không rõ có phải là lạm dụng kỹ thuật này không? Cụm từ “chọc dịch não tủy” nghe đã thấy “nguy hiểm”, có phải không ạ?
TS.BS. Nguyễn Văn Tuận: Đúng là nhiều người nghe nói đến “chọc dịch não tủy” là sợ. Bản thân tôi cũng đã gặp không ít trường hợp băn khoăn hỏi: “Bác sĩ ơi, không làm có được không?”. Thực tế là trước khi tiến hành chọc dịch não tủy, bác sĩ phải giải thích thật rõ ràng về quy trình để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hiểu, tránh lo lắng, và đây là thủ thuật CDNT không phải chọc tủy. Hơn nữa, chỉ định chọc dịch não tủy chỉ được đưa ra sau khi đã khám lâm sàng và cân nhắc đầy đủ lợi ích và biến chứng. Vì thế, chắc chắn bác sĩ chỉ đưa ra chỉ định này trong những trường hợp cần thiết. Đó là các trường hợp:
1. Lấy dịch não tủy làm xét nghiệm bổ trợ cho chẩn đoán các bệnh thần kinh như: Bệnh lý nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương gồm viêm màng não, viêm não, viêm tủy, viêm não tủy...; Bệnh lý ác tính màng não: ung thư màng não; Bệnh thần kinh ngoại biên gồm viêm đa rễ dây thần kinh, xơ cứng rải rác, hội chứng ép tủy, hội chứng tăng áp lực nội sọ lành tính. Các bệnh lý thần kinh chưa xác định được nguyên nhân như co giật, động kinh, lú lẫn hoặc rối loạn ý thức... bệnh đa dây thần kinh, bệnh đa rễ và dây thần kinh cấp và mạn tính; Tai biến mạch máu não (trường hợp nghi ngờ chảy máu dưới nhện có chụp cắt lớp vi tính bình thường, phải tiến hành CDNT để xác định chẩn đoán).
2. CDNT để điều trị: như để tiêm thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc chống ung thư, gây tê tủy sống hoặc lấy dịch não tủy trong hội chứng não úng thủy áp lực bình thường...
3. Lấy dịch não tủy để theo dõi kết quả điều trị như trong viêm màng não.
4. Chọc dò thắt lưng để tiến hành các thủ thuật; chọc tủy cản quang hoặc chụp bơm hơi não thất.
Chọc dịch não tủy là kỹ thuật rất cần thiết trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
PV: Như vậy, kỹ thuật này có thể nói là khá phổ biến, được chỉ định trong nhiều bệnh. BS khi chỉ định CDNT phải cân nhắc lợi ích và biến chứng. Vậy nó có nguy cơ biến chứng nào không? Có ảnh hưởng gì tới tủy, não không?
TS.BS. Nguyễn Văn Tuận: Mọi lo lắng của người bệnh hay người nhà bệnh nhân có lẽ xuất phát từ cái tên của kỹ thuật này. Nhưng cần nói rõ để mọi người hiểu rằng: Dịch não tủy là một “sản phẩm” từ các não thất. Chức năng của dịch này được ví nôm na như một cái đệm nước cho toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương trong một hộp sọ, ống sống cứng, bao quanh làm cho não, tủy không bị đụng giập, xoắn vặn khi đầu cử động cũng như khi bị va đập. Bên cạnh đó, dòng di chuyển một chiều của dịch não tủy cũng có tác dụng chuyên chở một số chất cần thiết khác cho não và cơ thể. Một so sánh gần gũi khác là dịch não tủy có chức năng tương tự như nước ối với thai vậy. Trung bình mỗi ngày, dịch não tủy tiết ra và hấp thu lại khoảng 500ml và thay đổi khoảng 3-4 lần. Còn kỹ thuật CDNT chỉ lấy một lượng rất nhỏ trong khoang dịch não tủy để xét nghiệm (khoảng 5-6ml), không ảnh hưởng gì tới cơ thể. Vị trí chọc dịch não tủy cũng khá an toàn: ở trẻ sơ sinh là thóp, ở người lớn, trẻ lớn là vùng thắt lưng, khe liên đốt L3-L4, L4-L5, L5-S1. Vì tủy sống kết thúc (nón tủy) ở khe L1-L2 nên có thể nói CDNT ở các vị trí trên không hề chạm tới tủy sống, lại càng không ảnh hưởng gì tới não bộ cả. Vậy, mọi người không nên vì chữ “chọc dịch não tủy” mà suy đoán và lo sợ.
Lời khuyên của thầy thuốcTheo TS.BS. Nguyễn Văn Tuận, nếu chậm trễ thực hiện CDNT sẽ khiến nguy cơ tử vong cao nhất là dịch viêm màng não do não mô cầu, ngoài ra có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết, viêm nặng nề hơn, áp-xe, tổn thương não nhiều hơn, hôn mê… Vì thế, khi đã khám lâm sàng, nghĩ tới viêm não, viêm màng não, loại trừ chống chỉ định, có yêu cầu làm CDNT, lời khuyên là cần làm sớm, càng sớm càng tốt. Đây là một xét nghiệm không hề đắt tiền, chỉ vài tiếng đồng hồ sau là có kết quả, từ đó, bác sĩ sẽ có phương án điều trị và bệnh sẽ được ngăn chặn.
Còn biến chứng của kỹ thuật này sẽ không thể xảy ra khi bác sĩ khám lâm sàng cẩn thận, loại trừ các trường hợp chống chỉ định. Đó là các trường hợp: nhiễm khuẩn da hay mô mềm vùng chọc dò (tránh gây nhiễm khuẩn lan vào khoang dưới nhện); tăng áp lực nội sọ; Nguy cơ chảy máu: các bệnh lý của máu, đang dùng thuốc chống đông. Đôi khi người bệnh có thể bị đau đầu sau CDNT, nhưng tình trạng này sẽ hết sau vài giờ hoặc ít ngày.
PV: Ông đã chứng kiến nhiều người ngần ngại không muốn thực hiện CDNT. Việc chậm trễ này có ảnh hưởng nguy hại nào không? Trong trường hợp đó, ông có lời khuyên nào đối với họ?
TS.BS. Nguyễn Văn Tuận: Trước hết, CDNT là một xét nghiệm bổ trợ rất quan trọng trong chẩn đoán, nhất là các bệnh viêm não, viêm màng não. Thậm chí có thể nói là xét nghiệm không thể thay thế được trong chẩn đoán và điều trị viêm màng não vì thế không thể chậm trễ. Việc cần làm là giải thích, chuẩn bị tốt tâm lý cho người bệnh yên tâm, không lo sợ, hợp tác tốt trong khi chọc dịch. Trong các bệnh khác, ví dụ như tai biến mạch máu não, có khi bệnh nhân vào cấp cứu chỉ chụp cắt lớp vi tính bình thường không phát hiện ra, chỉ khi CDNT mới thấy máu, xác định chảy máu dưới nhện. Nếu không CDNT mà cứ để vậy, bệnh nhân có nguy cơ vỡ mạch lại, gây tử vong. Kỹ thuật này có thể làm ở tuyến tỉnh, Trung ương, nơi có thể xét nghiệm dịch não tủy và do các bác sĩ thực hiện. Trong quá trình điều trị, kỹ thuật này có thể thực hiện nhiều lần mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của bệnh nhân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Thúy
((thực hiện))