Bệnh đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba trên thế giới nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống.
Bệnh đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba trên thế giới nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, giảm chất lượng cuộc sống. Với tính chất bệnh lý đòi hỏi phải chẩn đoán nhanh, chính xác và bác sĩ có quyết định đúng, kịp thời... mới có thể cứu sống được bệnh nhân và giúp họ hồi phục sức khỏe và tránh bị liệt... Do đó, Trung tâm Đột quỵ não - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108) cùng các khoa liên quan đã đưa ra mô hình làm việc “Nhóm các bác sĩ liên khoa chẩn đoán, cấp cứu đột quỵ não cấp” để giúp bệnh nhân được điều trị sớm nhất trong những giờ đầu...
Càng sớm được cấp cứu, tỉ lệ cứu sống bệnh nhân càng cao
Bệnh nhân Nguyễn Thị T., 54 tuổi (ở Bắc Ninh) được đưa đến BV 108 cấp cứu lúc 1h20 sáng ngày 6/6/2017 trong tình trạng liệt nặng nửa người bên trái, không nói được. Khi đến được bệnh viện, bệnh nhân đã đột quỵ 2,5 giờ. Nhóm cấp cứu đột quỵ não BV 108 đã khám, hội chẩn, chụp mạch não và thấy có tắc động mạch giữa. 30 phút sau, bệnh nhân được điều trị tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, sau đó chuyển tiếp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Bệnh nhân được tái thông mạch hoàn toàn sau đột quỵ trong vòng 50 phút. Sau đó, bệnh nhân tỉnh, nói rõ; nửa bên trái người bị liệt đã co duỗi chân tay tốt...
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều ca bệnh được xử trí một cách nhanh chóng và hồi phục tốt theo mô hình Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ theo nhóm trong hơn 3 năm qua tại BV 108.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc - Giám đốc Trung tâm đột quỵ não BV 108: Đối với những bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não cấp, thời gian vàng để chẩn đoán và xử trí cấp cứu có hiệu quả chỉ được giới hạn trong phạm vi 3 - 6 giờ đầu sau đột quỵ. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân có tỉ lệ tử vong cao hoặc nguy cơ bị liệt là rất lớn.

Nhóm bác sĩ BV 108 đang cùng cấp cứu cho bệnh nhân.
Lợi ích từ làm việc nhóm...
Trước đây, công tác tổ chức cấp cứu đột quỵ khi bệnh nhân đến viện thường diễn ra chậm ở hầu hết các bệnh viện. Sự chậm chễ này là do chưa có sự phối hợp giữa các khoa liên quan. Đầu năm 2014, Trung tâm Đột quỵ não cùng nhóm các bác sĩ thần kinh mạch máu của BV 108 đã triển khai hệ thống chẩn đoán và điều trị sớm đột quỵ thiếu máu não giai đoạn cấp với tổ chức mô hình thành một nhóm cấp cứu, để đảm bảo khi bệnh nhân đặt chân đến phòng cấp cứu của bệnh viện thì tất cả các khoa, phòng liên quan đã sẵn sàng thăm khám, hội chẩn đưa ra quyết định nhanh chóng xử trí cho bệnh nhân, rút ngắn tối đa thời gian từ khi bị bệnh đến khi được điều trị đặc hiệu... Theo đó, khi nhận được thông tin bệnh nhân đột quỵ não vào cấp cứu, thì các bác sĩ thuộc Trung tâm Đột quỵ não, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Can thiệp mạch, Khoa phẫu thuật thần kinh của bệnh viện đã có mặt để cùng khám, đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Hội chẩn liên khoa và quyết định nhanh phương pháp điều trị. Các bước trên phải bảo đảm chỉ trong thời gian 1 giờ đồng hồ (theo đúng tiêu chuẩn hướng dẫn của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ và của thế giới)... Tất cả việc làm đó theo hệ thống vòng tròn: Khoa Cấp cứu (tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên) - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Trung tâm Đột quỵ não/Khoa can thiệp mạch - Khoa Phẫu thuật thần kinh - Trung tâm Đột quỵ não...
Qua hơn 3 năm triển khai mô hình làm việc này đã mang lại lợi ích cho rất nhiều bệnh nhân. Trước đây, tỷ lệ bệnh nhân được xử trí cấp cứu trong giờ vàng của đột quỵ não hàng năm chỉ khoảng 2-3%, nhờ triển khai biện pháp làm Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ theo nhóm, thì tỉ lệ này đã tăng lên 17%. Như vậy đã mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân gấp hơn 5 lần...
PGS.TS. Ngọc cho biết: Mô hình cấp cứu này được tổ chức thực hiện rất có giá trị, đặc biệt ở các bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não do tắc các nhánh lớn động mạch nuôi não. Bắt đầu từ khi bệnh nhân được đưa đến khoa cấp cứu của bệnh viện thì các bác sĩ đã cùng đồng thuận về chẩn đoán, đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp và các biện pháp điều trị trong giai đoạn này, từ tiêu huyết khối đường tĩnh mạch hay lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học hoặc phẫu thuật mở sọ giảm áp đều được các bác sĩ trong nhóm sẵn sàng thực hiện 24/24 giờ. Do vậy đã nâng tỷ lệ bệnh nhân được cứu sống có chất lượng cuộc sống tốt lên rất nhiều.
... Và kết nối các bệnh viện vệ tinh qua mạng điện tử
Để mô hình này hoạt động được hiệu quả và nhanh chóng, các bác sĩ của BV 108 đã tạo nhóm làm việc qua hệ thống Viber, Zalo... để khi có thông tin của bệnh nhân thì tất cả các thành viên trong nhóm, dù đang ở đâu cũng có thể cùng hội chẩn ngay qua điện thoại. Từ đó đã thống nhất được phương án điều trị cho bệnh nhân ngay khi tới bệnh viện. Thậm chí có thể hỗ trợ từ xa cho các đồng nghiệp đang trực tiếp tham gia cấp cứu.
BV 108 đã phối hợp với các bệnh viện vệ tinh gần Hà Nội và có khả năng chuyển bệnh nhân đến sớm nhất. Khi có bệnh nhân đột quỵ não đã được chuyển tải thông tin về triệu chứng lâm sàng và hình ảnh qua mạng Viber, Zalo.... để cùng hội chẩn trong nhóm, tư vấn xử trí cấp cứu và cần phải chuyển đến BV 108 ngay khi có chỉ định. Nhờ đó, bệnh nhân được chuyển về BV 108 kịp thời với đầy đủ các dữ liệu lâm sàng và cận lâm sàng. Trên cơ sở các dữ liệu tuyến trước đã làm, khi bệnh nhân được chuyển tới thì các bác sĩ thuộc nhóm cấp cứu thần kinh mạch máu của BV 108 đã có mặt và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
PGS.TS. Ngọc cho biết: Qua hệ thống mạng này đã rút ngắn được thời gian và gắn kết được các tuyến điều trị cũng như sự phối hợp nhịp nhàng ăn ý giữa các bác sĩ. Tuy nhiên, để làm được điều này một cách hiệu quả và lâu dài thì cần phải có sự đoàn kết và tôn trọng giữa các khoa trong nhóm. Không có khoa nào trong nhóm là quan trọng số 1; Sự phối hợp các khoa để làm sao cứu sống bệnh nhân và lúc đó chỉ có bệnh nhân mới là số một. Đó là tiêu chí của nhóm Cấp cứu điều trị đột quỵ não cấp của BV Trung ương Quân đội 108 trong suốt thời gian vừa qua.
Thu Hà