2 vụ nổ lớn được cho là đánh bom liều chết đã xảy ra ở thủ đô Jakarta (Indonesia) đêm 24/5 làm ít nhất 5 người thiệt mạng. Trong khi đó, thành phố Marawi (Philippines) cũng đã bị nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Maute chiếm đóng và cắm cờ đen IS. Rất nhiều ý kiến cho rằng chân rết của IS với lực lượng trẻ và hành động nguy hiểm hơn đang cắm rễ chặt ở Đông Nam Á.
Tờ Jakarta Post sáng 25/5 đã chạy hàng tít lớn “Jakarta sốc vì vụ đánh bom liều chết” tường thuật lại chi tiết các diễn biến vụ việc và nhận định nhiều khả năng IS đã “nhúng tay” vào thực hiện vụ tấn công đêm 24/5.Ngay sau khi vụ việc xảy ra, an ninh đã được tăng cường trên toàn quốc. Giới chức Indonesia-quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới, lo ngại về hiện diện ngày càng lớn của chủ nghĩa cực đoan.
Ngay trước vụ đánh bom kép tại Jakarta của Indonesia đêm 24/5, xung đột đã diễn ra giữa nhóm phiến quân Hồi giáo Maute có liên hệ với IS tại thành phố Marawi, thủ phủ tỉnh Lanao del Sur trên đảo Mindanao, miền Nam Philíppin. Đây là lý do khiến ông Duterte buộc phải rút ngắn chuyến thăm Nga trở về nước. “Nếu cờ IS được dựng lên tại Philippines, nó phải được ngăn chặn và tôi sẵn sàng áp đặt thiết quân luật để bảo vệ người dân trong nước”, hãng tin Anh Reuters dẫn lời Tổng thống Duterte nói.

Binh lính Indonesia được tăng cường sau vụ khủng bố ở Jakarta đêm 24/5
Hãng tin Tân hoa xã cho biết Tổng thống Duterte đang tính tới khả năng thiết quân luật trên toàn quốc. Đây là một động thái khiến dư luận chú ý bởi lẽ nhiều năm trở lại đây, Philippines chưa từng phải ban bố lệnh thiết quân luật như vậy. Việc phiến quân Maute, chân rết của IS phá hoại và cắm cờ IS tại thành phố Marawi đang đặt ra rất nhiều nguy cơ an ninh mới với Philippines. Nó cũng khiến người ta hình dung viễn cảnh “tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng có thể xây dựng một vương quốc riêng của bọn chúng ngay tại Đông Nam Á”. Trước đó, đêm ngày 23/5, Tổng thống Duterte đã tuyên bố thiết quân luật trong 60 ngày tại đảo Mindanao và các tỉnh Basilan, Sulu và Tawi-Tawi. Theo thống kê, hiện có khoảng 400 tên khủng bố của nhóm Abu Sayyafhoạt động ở miền Nam Philíppines.
Phiến quân Hồi giáo Maute là ai?
Bình luận về sự kiện này, hãng tin Anh Reuters nhận định « Nhóm phiến quân nhỏ Maute đã trở thành một mối đe dọa thực sự đối với Philippines ». Reuters phân tích việc Tổng thổng Duterte phải bay 1400km vội vàng từ Moscow trở về Manila cho thấy tình hình thực sự nguy cấp. Phiến quân Maute giờ không còn là một tổ chức nhỏ mà qua hành động chiếm đóng và cắm cờ IS tại thành phố Marawi đang đặt ra một nguy cơ thực sự với Manila.
Theo lý giải của trang Rappler.com, Maute là một nhóm phiến quân Hồi giáo mới nổi (còn được gọi với cái tên Daulah Islamiyah), do tên Abdullah Maute, người lớn nhất trong số các anh em gia đình Maute sáng lập. Rappler.com dẫn lời tổ chức Các nhà nghiên cứu và Phân tích Khủng bố cho biết hai anh em nhà Maute vốn xuất thân " từ những kẻ tội phạm đầu đường xó chợ nhưng đã trở thành những chiến binh Hồi giáo độc lập khi chúng sáng lập ra phong trào Khalifa Islamiah ở Mindanao năm 2012."
Cha của Abdullah Maute là Cayamora Maute vốn là thủ lĩnh cấp cao của phong trào Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), đang tham gia đàm phán hòa bình với chính phủ. Tuy nhiên, các con trai của Cayamora sau đó đã chỉ trích lãnh đạo phong trào Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và sau đó cam kết trung thành với IS.
Theo một báo cáo công bố tháng 10/2016, một nhóm tư vấn chính trị độc lập ở Jakarta đã cảnh báo về "các hoạt động cực đoan xuyên biên giới" sau khi phát hiện mối liên kết trực tiếp giữa 4 nhóm khủng bố Philippines - trong đó có nhóm Maute - và các chiến binh chân rết của IS ở các nước láng giềng Indonesia và Malaysia. Đáng chú ý, theo một báo cáo khác được tờ Sun Star của Philippines dẫn lời, một trong những nhà lãnh đạo của phiến quân Maute, Omar Maute, đã kết hôn với một phụ nữ Indonesia mà tên này gặp khi đang học tập tại Ai Cập. Tờ Sun Starnhận định"Các mối quan hệ gia đình của Omar Maute với gia đình bên vợ người Indonesia, những người thông thạo tiếng Indonesia và kiến thức về truyền thông xã hội có thể giúp ông ta thiết kế một mạng lưới chiến binh quốc tế rộng lớn khiến chính phủ Philippines lo ngại »..
Cảnh sát Philippines truy lùng phiến quân Hồi giáo Maute
Tháng 11 năm 2016, Tổng thống Duterte đã từng khẳng định mối quan hệ của phiến quân Hồi giáo Maute với IS và cho biết cộng đồng tình báo Philippines đã cảnh báo ông rằng IS "đã liên kết chặt chẽ với nhóm ở Philippines gọi là Maute".
Giới phân tích nhận định, có nhiều bài học rút ra từ các vụ khủng bố ở Indonesia và Philippines. Điều nguy hiểm là phần lớn những kẻ tấn công khủng bố đẫm máu thường nghe theo lời kích động của các thủ lĩnh phiến quân, âm thầm lên kế hoạch, lựa chọn mục tiêu và thời điểm để thực hiện các cuộc tấn công “sói đơn độc”. Chính vì thế, theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại là những kẻ từng được gọi là “sói đơn độc” này giờ đây không còn đơn độc nữa. IS và các tổ chức khủng bố khác đang tạo ra cơ hội cho những kẻ cảm thấy cô đơn - những kẻ cho rằng mình không gặp thời hoặc bất mãn với chính trị, với xã hội – được hành động mà không cảm thấy đơn độc. Trong trường hợp của Indonesia và Philippines, hai quốc gia có đông cộng đồng người Hồi giáo, những kẻ tấn công khủng bố IS càng dễ có cơ hội xâm nhập và tiến hành các vụ tấn công đơn lẻ.
Hiện, đã xuất hiện những cảnh báo cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á có thể sẽ chứng kiến nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn nữa trong thời gian tới.Thực tế trên đòi hỏi các quốc gia phải liên kết phối hợp chặt chẽ hơn ngăn ngừa IS và chân rết của nó vươn xa./.
N.Minh
(Theo Reuters, BBC, Philippines Star)