Nghệ thuật điêu khắc gắn bó và là bộ môn tạo hình không thể thiếu trong các công trình kiến trúc cổ của Việt Nam, đặc biệt là kiến trúc cung đình, đền, chùa...
Nghệ thuật điêu khắc gắn bó và là bộ môn tạo hình không thể thiếu trong các công trình kiến trúc cổ của Việt Nam, đặc biệt là kiến trúc cung đình, đền, chùa... không thể thiếu sự kết hợp của điêu khắc. Trường phái hội họa đặc biệt này không chỉ điểm xuyết, trang trí cho công trình kiến trúc mà còn đưa công trình lên một tầm giá trị nghệ thuật mới. Ngày nay, mối quan hệ giữa kiến trúc và điêu khắc không hề đổi thay, điêu khắc vẫn tạo nên giá trị nghệ thuật cao cho các công trình kiến trúc Việt Nam. Nhưng theo giới chuyên môn, mối quan hệ này cần được “hâm nóng” hơn nữa.
Khẳng định giá trị của điêu khắc
Triển lãm “Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn” lần thứ 4 diễn ra tại Đại học Kiến trúc Hà Nội kéo dài 10 ngày vào cuối tháng 12 là một trong những hành động thiết thực nhằm khẳng định chân lý: Kiến trúc không thể thiếu vắng điêu khắc. Kể từ năm 2010, triển lãm dần tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp cho các nghệ sĩ, giới thiệu những tác phẩm điêu khắc mới nhất nhằm đưa nghệ thuật điêu khắc tới gần không gian công cộng, không gian sống của người dân.

Nghệ thuật điêu khắc gắn bó và là bộ môn tạo hình không thể thiếu trong các công trình kiến trúc.
Triển lãm trưng bày 56 tác phẩm của 26 nhà điêu khắc ở hai miền đất nước. Số lượng thành viên tham gia triển lãm điêu khắc lần này cũng đông nhất trong các lần đã tổ chức, độ tuổi trải rộng, người trẻ nhất 28 tuổi, người lớn tuổi nhất cũng xấp xỉ 70. Khoảng cách thế hệ giữa các nghệ sĩ là rất lớn cùng với cá tính sáng tạo mang đến sự đa dạng, phong phú cho các tác phẩm trong triển lãm, từ chất liệu đến hình thức, khuynh hướng và quan niệm sáng tác điêu khắc hiện nay. Trước khi có những cơ chế cụ thể thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc trong thiết kế kiến trúc, những triển lãm như “Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn” vừa là môi trường trao đổi chuyên nghiệp, vừa là sân chơi giúp điêu khắc Việt ngày càng hoàn thiện và tìm được hướng đi cho mình.
Tại đây, các nghệ sĩ đã bày tỏ rất nhiều về mối quan hệ của điêu khắc và kiến trúc. Họ cho rằng sứ mệnh thiêng liêng nhất của nghệ sĩ là phải đưa được tác phẩm của mình đến với công chúng. Ngày nay, nghệ sĩ phải đi tìm nhà đầu tư, cũng như các nhà đầu tư cần tìm đến nghệ sĩ. Đối với điêu khắc, những tác phẩm sinh ra trong không gian kiến trúc đó, được trưng bày ở đó và khi khách đến tham quan, họ cũng thấy không gian đó đẹp hơn. Không gian đẹp lại có tác dụng thu hút khách. Đó là cách kết hợp của chủ đầu tư thông minh, gắn kết kinh doanh với nghệ thuật, khiến cho công việc kinh doanh hiệu quả hơn. Và tất nhiên, giá trị cũng như sức sống của các tác phẩm điêu khắc lâu dài nhất là ở trong đời sống của con người.
Tại sao điêu khắc “lép vế”?
Không thể phủ nhận ngành thiết kế kiến trúc của Việt Nam trong những năm gần đây phát triển khá mạnh, nổi lên với nhiều gương mặt tiêu biểu giành được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước. Nhưng trái ngược thành công ngày càng lớn của kiến trúc là một sự phát triển khiêm nhường hơn của nghệ thuật điêu khắc, dù chúng được coi là gắn bó, phụ thuộc vào nhau. Một nhà nghiên cứu văn hóa nhận định: “Ngày xưa, chức năng của điêu khắc phụ thuộc nhiều vào kiến trúc, mang tính trang trí cho công trình kiến trúc. Sau này vì nhiều yếu tố mà giảm dần. Điêu khắc truyền thống của Việt Nam luôn gắn chặt với các công trình tôn giáo tín ngưỡng. Thực tế ở Việt Nam, mối liên quan giữa điêu khắc và kiến trúc không được xem trọng và sự phát triển của nó cũng hạn chế”.
Thử tưởng tượng, một căn phòng mà không có một tác phẩm nghệ thuật nào sẽ mang nghĩa khác. Tác phẩm nghệ thuật sẽ đặt nghĩa cho không gian đó hoặc giúp người xem có được một cảm nhận cụ thể khi chiêm ngưỡng nó trong không gian ấy. Điều tạo nên ấn tượng, điểm nhấn của không gian kiến trúc ngoài công trình kiến trúc (chủ yếu được thiết kế đáp ứng công năng tối đa) còn là những tác phẩm nghệ thuật, có thể là hội họa, điêu khắc. Giới kiến trúc sư đồng ý rằng, không nên tách riêng điêu khắc và kiến trúc mà nên xem xét chúng trong sự tương tác lẫn nhau.
Nói về nguyên nhân khiến điêu khắc vắng bóng tại các không gian công cộng, một nghệ sĩ điêu khắc chia sẻ: “Có rất nhiều nguyên nhân như trong chủ trương, định hướng quy hoạch đô thị, xây dựng, tổ chức trung tâm văn hóa cộng đồng của chúng ta còn nhiều yếu kém. Yếu kém lớn nhất là không có định hướng gì cho công việc này. Hiện nay, các công trình đô thị của Việt Nam chỉ nghĩ đến thiết kế nhà, công năng sử dụng mà quên đi tính nghệ thuật, tạo cái đẹp cho đô thị”.
Tìm lại công bằng cho điêu khắc
Trong khung cảnh hiện tại, một xu hướng nổi bật là sự xích lại gần nhau của các loại hình nghệ thuật. Điêu khắc, một loại hình nghệ thuật tạo hình truyền thống, không nằm ngoài xu hướng như vậy, nó đã rời bỏ không gian kinh viện dành riêng cho mình để đi vào những không gian sống cụ thể, tìm cách giao tiếp với những hình thái nghệ thuật khác. Tính đối thoại giữa tác phẩm điêu khắc được đặt ra ở khả năng đối thoại với kiến trúc, nội thất, công năng của không gian kiến trúc.
Sự đối thoại này nảy sinh những thách thức đặc biệt khi điêu khắc không còn giải quyết những quan hệ tự thân truyền thống nội tại như hình khối, chất liệu, thẩm mỹ bề mặt, màu sắc... mà còn giải quyết tương quan giữa điêu khắc với không gian kiến trúc. Điêu khắc ngày nay, do đó sẽ cần phải chủ động hơn trong sự hiện diện của nó ở khung cảnh được lựa chọn, cách thức để hòa nhập vào không gian đó, cũng như sự thách thức liên tục bởi tính vận hành - hoạt động liên tục của không gian sống, chứ không phải một không gian tĩnh - cố định - khép kín - chết truyền thống.
Trên khi thực tế, ở Việt Nam đang rất thiếu sự tương tác giữa các công trình kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm điêu khắc nói riêng. Thêm vào đó, ứng dụng những tác phẩm điêu khắc và những ý tưởng nghệ thuật mang tính chất kết hợp giữa điêu khắc và kiến trúc vào quy hoạch không gian đô thị còn rất yếu kém.
Nam Phương