Metformin là một thuốc chống đái tháo đường nhóm biguanid. Tác dụng chủ yếu là ức chế sản xuất đường từ gan và tăng tính nhạy cảm của cơ thể đối với insulin.
Metformin là một thuốc chống đái tháo đường nhóm biguanid. Tác dụng chủ yếu là ức chế sản xuất đường từ gan và tăng tính nhạy cảm của cơ thể đối với insulin. Thế nhưng, metformin cũng là loại thuốc có nhiều chống chỉ định và tác dụng phụ.
Hiệu quả khi dùng metformin là làm giảm nồng độ glucose trong huyết tương, khi đói và sau bữa ăn, ở người bệnh đái tháo đường týp II (không phụ thuộc insulin). Metformin không kích thích giải phóng insulin từ các tế bào beta tuyến tụy. Thuốc không có tác dụng hạ đường huyết ở người không bị đái tháo đường. Ở người đái tháo đường, metformin làm giảm sự tăng đường huyết nhưng không gây tai biến hạ đường huyết (trừ trường hợp nhịn đói hoặc dùng phối hợp với thuốc đồng tác dụng). Metformin không gây tăng cân và có thể cải thiện mức độ cholesterol.
Các triệu chứng của bệnh ĐTĐ.
Trường hợp nào không được dùng metformin?
Những trường hợp tuyệt đối không được sử dụng metformin là: Người bệnh giảm chức năng thận do bệnh thận, hoặc rối loạn chức năng thận. Không dùng metformin ở người bệnh suy giảm chức năng gan, người mắc bệnh gan nặng, bệnh tim mạch nặng, bệnh hô hấp nặng với giảm oxygen huyết; suy tim sung huyết, trụy tim mạch, nhồi máu cơ tim cấp tính; nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn huyết; phụ nữ mang thai; nhiễm acid chuyển hóa cấp tính hoặc mạn tính, có hoặc không có hôn mê (kể cả nhiễm acid - ceton do đái tháo đường). Phải ngừng tạm thời metformin cho người bệnh chiếu chụp Xquang có tiêm các chất cản quang có iod vì sử dụng những chất này có thể ảnh hưởng cấp tính chức năng thận. Chỉ dùng trở lại metformin sau khi đánh giá lại chức năng thận thấy bình thường. Phải ngừng dùng metformin khi tiến hành các phẫu thuật... Metformin không phù hợp để điều trị cho người cao tuổi, thường có suy giảm chức năng thận, do đó phải kiểm tra creatinin huyết thanh trước khi bắt đầu điều trị.
Bên cạnh đó, cũng như bất cứ loại thuốc điều trị nào khác, người bệnh dùng metformin có thể gặp phải các tác dụng phụ thường gặp như: chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy thượng vị, táo bón, ợ nóng. Một số trường hợp khác có nổi ban, mày đay, tăng cảm thụ với ánh sáng, giảm nồng độ vitamin B12 trong máu... Có thể tránh những tác dụng phụ của thuốc trên tiêu hóa nếu uống metformin vào giữa hoặc sau bữa ăn.
Khi nào người bệnh phải ngừng dùng metformin?
Không xảy ra hạ đường huyết trong kiểm soát đường huyết đơn độc bằng metformin. Tuy nhiên, đã có tai biến hạ đường huyết khi có kết hợp những yếu tố thuận lợi khác như dùng metformin kết hợp với một loại thuốc hạ đường huyết khác, dùng chung với rượu. Khi có bệnh nhồi máu cơ tim hoặc nhiễm khuẩn máu, bắt buộc phải ngừng dùng metformin ngay. Suy giảm chức năng thận hoặc gan cũng là một chỉ định bắt buộc phải ngừng điều trị bằng metformin.
Các biến chứng do đái tháo đường.
Lưu ý: Có thông báo là việc dùng các thuốc uống điều trị đái tháo đường làm tăng tỷ lệ tử vong ở những người mắc bệnh về tim mạch, so với việc điều trị bằng chế độ ăn đơn thuần hoặc phối hợp insulin với chế độ ăn. Ðối với người bệnh dùng metformin, cần theo dõi đều đặn các xét nghiệm cận lâm sàng, kể cả định lượng đường huyết, để xác định liều metformin tối thiểu mà vẫn có hiệu lực.
Làm thế nào thuốc điều trị đái tháo đường đạt hiệu quả cao nhất?
Nói chung, thuốc điều trị đái tháo đường sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người bị bệnh đái tháo đường týp II. Tuy nhiên, các loại thuốc này đạt hiệu quả tốt nhất khi được sử dụng phối hợp với chế độ ăn và tập thể dục. Người bệnh cần được khuyến cáo điều tiết chế độ ăn, vì dinh dưỡng điều trị là một khâu trọng yếu trong quản lý bệnh đái tháo đường. Ðiều trị bằng thuốc chỉ được coi là hỗ trợ, không phải để thay thế cho việc điều tiết chế độ ăn hợp lý.
Thuốc uống điều trị đái tháo đường đôi khi không có tác dụng sau một vài tháng hoặc nhiều năm. Chuyển đổi một thuốc điều trị đái tháo đường cũng như phối hợp thêm thuốc vào điều trị hiện tại của bạn là cần thiết khi các thuốc đang điều trị không đạt được mục tiêu kiểm soát đường huyết. Nhưng người bệnh phải tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ. Bệnh nhân không tự động điều chỉnh liều thuốc điều trị đái tháo đường nếu không có hướng dẫn của thầy thuốc, không tự ý bỏ thuốc, không rút bớt mũi tiêm insulin. Tốt nhất bệnh nhân phải tự theo dõi đường huyết thường xuyên để thông báo cho bác sĩ mỗi khi đi khám bệnh.
DS. Minh Hoàng